Posted by : Unknown Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

Lập trình viên và bí quyết trở thành Doanh nhân 
Lập trình viên là một nghề thú vị. Nếu bạn là người lập trình khá, bạn có mức thu nhập cao so với mức trung bình xã hội, thời gian làm việc thoải mái. Trong suốt quá trình làm việc của mình, tôi được gặp gỡ các bạn làm lập trình ở FPT, VNPT, Viettel, ở các ngân hàng, công ty chứng khoán, họ đều muốn thử sức một cơ hội lập một doanh nghiệp riêng, trở thành một người kinh doanh chịu trách nhiệm về thu nhập của chính mình. Rất nhiều người đã gặp thất bại trong quá trình chuyển đổi đó. Nhân đọc bài của IAN, giám đốc của Userspace, tôi bắt gặp được những điểm mà tác giả chia sẻ cũng phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Tôi xin góp nhặt ý của tác giả và những điều chỉnh của tôi cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Hy vọng 10 điều dưới đây có thể giúp các bạn lập trình viên đã, đang và sẽ có khao khát trở thành doanh nhân.
Start Up Branding Tips
1. Code chỉ chiếm 5% trong một doanh nghiệp
Khi bạn chuẩn bị làm một doanh nghiệp công nghệ, bạn dồn hết tâm trí để xây dựng sản phẩm và cập nhật các công nghệ mới nhất. Bạn dành nhiều thời gian để demo cho nhóm phát triển của mình về tương lai của công nghệ. Nhưng đầu tư về sản phẩm và công nghệ sẽ không có ý nghĩa nếu không có khách hàng nào biết đến, nếu bạn chưa biết làm marketing. Sản phẩm của bạn cũng không có ý nghĩa nếu bạn không biết làm việc với cơ quan thuế, và công ty bạn không thể hoạt động khi bị cơ quan thuế hành hạ vào cuối năm. Công ty bạn sẽ gặp trục trặc nếu không biết làm việc với cơ quan đăng ký bản quyền khi có tranh chấp với đối thủ cạnh tranh.Và theo những gì tôi quan sát được, thì khâu code cho sản phẩm của công ty kiểu này chỉ chiếm khoảng 5% so với tất cả các quy trình hoạt động của công ty.
2. Thiết kế cần được coi trọng hơn cả đối thủ cạnh tranh
Bạn cần thiết kế sản phẩm đẹp. Lập trình viên luôn muốn mọi thứ đơn giản như file text với phông chữ cố định, điều này không đúng trong cuộc sống. Sản phẩm của bạn chỉ cần đẹp hơn đối thủ cạnh tranh. Một trang web bán điện thoại, chỉ cần đẹp hơn trang web bán hàng tương đương, không nhất thiết phải hoàn thiện như đại gia Amazon. Khi bạn đạt mục tiêu thiết kế đẹp hơn đối thủ cạnh tranh, khách hàng sẽ nhìn vào và so sánh, và sẽ phản hồi tích cực về sản phẩm của bạn. Nên nhớ, nhiều khách hàng luôn đánh giá sách đầu tiên là qua trang bìa.
3. Cần tính toán dài hơi hơn
Nhiều lập trình viên mong muốn chỉ tập trung viết code, nâng cấp version. Lập trình viên thích thú với việc tìm ra lỗi và sửa lỗi. Bạn cần biết rằng tiếp thị và bán hàng, là các công việc chiếm nhiều thời gian, từ 6 tháng tới 1 năm. Do đó cần lập kế hoạch để các công việc phát triển, tiếp thị, bán hàng đi song hành trong vòng 6 tháng đến 1 năm.
4. Hãy chấp nhận sự thật là bạn không hiểu hết về người dùng và hãy hợp tác với họ
Lập trình viên thường là người hiểu rất rõ về máy tính và có thói quen tự mình xử lý các lỗi máy tính. Những lập trình viên mới tham gia các dự án với khách hàng thường giúp khách hàng cài đặt phần mềm, và tham gia giải quyết luôn các nghiệp vụ của khách hàng. Tôi chứng kiến có lập trình viên làm phầm mềm kế toán, tranh luận với dân kế toán về cách hạch toán tài khoản, lập trình viên phầm mềm chứng khoán muốn đưa ra điều kiện để chọn mã chứng khoán được vay. Lập trình viên không nên sa đà vào lĩnh vực chuyên môn của người dùng mà tập trung vào kiến trúc của ứng dụng. Cần hiểu hết các nhu cầu của ngành để ra quyết định chức năng nào cần có trong sản phẩm, đưa ra lộ trình phát triển từng chức năng. Thấu hiểu khách hàng sẽ giúp giảm đầu tư thời gian và công sưc để làm các chức năng thừa. Không ai muốn làm một chức năng phần mềm mà cuối cùng không có ai dùng.
5. Hãy tôn trọng khách hàng
Nhiều lập trình viên bắt đầu công việc của mình hỗ trợ máy tính trong nội bộ các doanh nghiệp. Sự cố thường xuyên xảy ra cũng như sức ép phải hoàn thành công việc đúng hạn khiến nhiều lập trình viên có cảm giác được trả không tương xứng với nỗ lực. Nhiều người dùng đã phàn nàn về thái độ làm việc và ứng xử kém của các nhân viên IT nội bộ. Mang thái độ đó vào công việc kinh doanh của chính bạn sẽ mang lại sự thất bại. Phần mềm của bạn sẽ không thể thương mại hóa nếu vẫn giữ quan điểm phục vụ cũ. Bạn cần giữ được thái độ tôn trọng khách hàng khi họ có thể có một số đòi hỏi quá đáng. Bạn cần giữ im lặng khi mọi việc không trôi chảy trong khi chính bạn cũng không biết tại sao. Bạn cần tôn trọng khách hàng khi họ chọn đối thủ cạnh tranh và không cho bạn biết chức năng nào của sản phẩm họ không thích. Khi bạn biết tôn trọng khách hàng, sẽ có lúc, họquay trở lại. Và thực tế điều đó đã xảy ra.
6. Hãy thiết kế để dễ sử dụng, kể cả người dùng chuyên nghiệp cũng thích “dễ sử dụng”
Giao diện của sản phẩm cần đơn giản và dễ sử dụng, cho cả người dùng kinh nghiệm và người dùng mới. Ai cũng sẽ đánh giá cao tính dễ sử dụng của phần mềm. Một trong những điều quan trọng là thiết kế để những người dùng thử cũng có thể sử dụng được. Hãy thiết kế để cho người dùng thử chỉ cần vài phút, có thể hiểu và làm chủ phần mềm của bạn. Nếu không, họ sẽ thử sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.
7. Để người lạ cho ý kiến vào dự án của bạn
Hãy thử dành thời gian để giới thiệu sản phẩm của bạn cho một người ngoài, và cho họ đánh giá sản phẩm của bạn, đặc biệt về giao diện người dùng. Người ngoài nhiều khi sẽ góp ý cho bạn nhiều ý tưởng mới. Và nó có thể là sự bắt nguồn nhiều tính năng mới cho sản phẩm trong tương lai của bạn. Nhiều khi bạn sẽ thấy ngạc nhiên về các ý tưởng của những người ngoài dự án vượt khỏi hình dung của bạn.
8. Đừng ngại loại bỏ chức năng
Là một lập trình viên, sẽ rất đau lòng khi bạn phải bỏ đi một chức năng của phần mềm mà bạn dành thời gian viết cả tuần hay cả tháng. Ra quyết định bỏ một đoạn code thật khó khăn. Đoạn code đó có thể có tiềm năng gây lỗi, hay đơn giản chức năng đó không được người dùng chấp nhận. Hãy mạnh dạn loại bỏ các đoạn code thừa nếu đó là việc phải làm.
9. Giữ bình tĩnh là một kỹ năng quan trọng
Lập trình viên luôn cảm thấy thiếu thời gian để hoàn thành các công việc. Nhiều việc dự kiến hoàn thành trong một hay hai ngày có thể chiếm hết cả tuần. Hãy học cách bình tĩnh và đừng lo lắng. Hãy tránh hứa với khách hàng ngày hoàn thành cũng như các chức năng. Hãy tránh hứa dự án sẽ hoàn thành trong một tháng nếu nó có thể mất 3 tháng để làm xong.
10. Hãy xem xét lại vấn đề như thể bạn học lại từ đầu Khi bắt đầu lập trình bạn đọc rất nhiều sách
Bạn đọc sách từ ngôn ngữ lập trình, thuật toán, về hệ điều hành. Bạn tham gia diễn đàn đọc các bài so sánh về các ngôn ngữ, các hệ điều hành. Khi chuyển sang làm kinh doanh, bạn cũng nên làm như vậy. Hãy đọc sách về thị trường bạn định hướng đến, về cách doanh nghiệp nhỏ hoạt động, về cách quản lý thời gian, và về cách quản lý nhóm. Bạn nên học các vấn đề này trước khi bạn bắt đầu viết mã cho sản phẩm của mình. Bạn sẽ tránh được nhiều sai lầm khiến bạn mất thời gian đầu tư công sức của mình.

Nguồn: Techinasia.

Leave a Reply

Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

- Copyright © HỌC LẬP TRÌNH ANDROID - Skyblue - Powered by Blogger - Designed by Johanes Djogan -