Từ trước đến nay, khi so sánh chợ ứng dụng trên Android (Google Play Store) với App Store của Apple, chúng ta không khó để nhận thấy hầu hết ý kiến đều nhận định App Store hơn hẳn Play Store một bậc về chất lượng ứng dụng. Nhờ sự đầu tư kĩ lưỡng từ Apple, các ứng dụng luôn phải qua một quá trình kiểm tra chất lượng trước khi được đưa lên App Store. Bên cạnh đó, do iPhone, iPad chỉ có một ít kích cỡ màn hình, nên ứng dụng iOS không gặp hiện tượng phân mảnh như trên Android vốn có quá nhiều mẫu mã, kích thước màn hình, độ phân giải.
Ở chiều ngược lại, chất lượng ứng dụng trên Android luôn bị đánh giá kém hơn iOS, thậm chí bị có thời điểm bị gọi là "rác" với rất nhiều app nhái, giả mạo, hay virus hoành hành. Thời điểm những ngày đầu tiên Play Store xuất hiện, Google thậm chí còn cho phép lập trình viên phát hành bất kì thứ gì họ thích mà không có quy định nào.
Giờ đây, Play Store đã trở thành một ngành kinh doanh với giá trị đạt 7 tỉ USD, đồng nghĩa với việc Google sẽ phải chăm chút hơn cho chợ ứng dụng của mình. Bên cạnh việc xóa bỏ các ứng dụng độc hại, hãng tìm kiếm mới đây công bố rằng sẽ áp dụng chương trình đánh giá các ứng dụng trước khi lập trình viên có thể đưa lên Play Store để người dùng tải về. Chính sách này được Google học hỏi từ chính đối thủ App Store và đã có hiệu lực từ vài tháng nay. Hãng tìm kiếm đã sử dụng các thuật toán, cũng như tiến hành can thiệp thủ công từ con người để loại bỏ các ứng dụng giả mạo, chất lượng kém.
Bên cạnh đó, Google còn giới thiệu một hệ thống đánh giá mới cho các ứng dụng Android. Hệ thống này sẽ giúp giải thích một cách rõ ràng ứng dụng và game nào thì phù hợp với nhóm tuổi nào. Google sẽ hợp tác với một hội đồng độc lập gồm các tổ chức ESRB, PEGI, USK, ClassInd, và Australian Classification Board để đưa ra các đánh giá. Ứng dụng trong hệ thống đánh giá này sẽ được phân thành các mục như: nội dung tình dục, nội dung bạo lực, ma túy, rượu và cờ bạc.
Mục tiêu của hãng tìm kiếm là giúp đỡ các lập trình viên xác định cụ thể đối tượng khách hàng cho ứng dụng, game mà họ viết ra. Với các khu vực không được hỗ trợ bởi hội đồng đánh giá ở trên, Google sẽ có một "hệ thống đánh giá chung, dựa trên độ tuổi". Hãng cũng yêu cầu lập trình viên phải đăng nhập vào Developer Console và hoàn thành bản câu hỏi đánh giá mới cho mỗi ứng dụng. Nếu ứng dụng nào không hoàn thành sẽ bị đánh dấu “Unrated” (chưa được đánh giá), và có thể bị khóa ở một số khu vực hoặc với một số người dùng.
Cuối cùng, bắt đầu từ tháng 5/2015, Google yêu cầu lập trình viên phải hoàn thành bản câu hỏi trogn Developer Console nếu muốn phát hành ứng dụng mới, cũng như tung bản update cho ứng dụng hiện có trên Play Store.
Theo ICTnews.